Thời Gian Làm 8:00 - 20:00

hotline Tư Vấn Miễn Phí03.8558.1111

Ngôi làng ‘lột xác’ trở nên giàu có ở Ấn Độ

Tham vấn y khoa :

Hiware Bazar, ngôi làng nổi tiếng ở Ấn Độ bởi sự chuyển mình ngoạn mục từ một địa phương nghèo đói và hạn hán thành giàu có nhất cả nước.

Hiware Bazar, thuộc huyện Ahmednagar, bang Maharashtra, hiện có GDP cao nhất trong số các làng ở Ấn Độ với thu nhập bình quân đầu người hàng tháng khoảng 30.000 rupi (10 triệu đồng). 60 trên 235 gia đình trong làng là triệu phú. Tuy nhiên, hơn chục năm trước đây ngôi làng chỉ là một mảnh đất cằn cỗi không người để tâm.

Đến giữa những năm 90, Hiware Bazar vẫn chìm trong nghèo khó, chống chọi với trận hạn hán lịch sử năm 1972. “Sự bình yên hoàn toàn bị phá vỡ” – Raosaheb Rauji Panwar, 82 tuổi, nhớ lại. “Mọi người trở nên cáu bẳn và luôn phải đấu tranh để sinh tồn. Một nguyên nhân nhỏ nhặt cũng dẫn đến cãi vã. Những gì chúng tôi trải qua lúc bấy giờ chỉ là sự tuyệt vọng và giận dữ. Dân làng bắt đầu tìm đến rượu khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn”.

Sau đấy, khoảng 90% người dân rời khỏi làng. Họ nhận ra ngôi làng thiếu một người lãnh đạo mạnh mẽ và có tầm nhìn. Năm 1989, dân làng quyết định đến gặp Popatrao Pawar, người duy nhất trong làng tốt nghiệp đại học. Lúc đó, Pawar cũng chuẩn bị ra đi để tìm một công việc hứa hẹn, nhưng mọi người khuyên ông ở lại và trở thành sarpanch (trưởng làng) đời tiếp theo. Pawar đầu tiên không quan tâm, nhưng sự kiên trì của mọi người đã thuyết phục ông.

2-14-9501-1453165215

Popatrao Pawar, người đem lại sức sống mới cho Hiware Bazar. Ảnh: Appurva Shah.

Đầu tiên Pawar thuyết phục dân làng đóng cửa 22 quán rượu. Tiếp đó, ông xin vốn vay dành cho người nghèo từ Ngân hàng Maharashtra, sử dụng khoản tiền đó cải thiện vấn đề cung cấp nước, đồng thời xây thêm bể chứa và đập.

“Tôi nhận ra mọi vấn đề của làng đều bắt nguồn từ việc thiếu nước. Do vậy, chúng tôi tiết kiệm từng giọt nước mưa và xây bể ngầm ngăn không cho nước ra ngoài. Sau mỗi mùa mưa, diện tích bể ngầm tăng lên khiến mọi người thấy phấn chấn hơn”, Pawar nói.

Giải quyết được sự thiếu nước, nhiều người đã quay trở lại. Số lượng gia đình tăng từ 90 lên 235. Pawar lập nhóm 2-3 gia đình thường xuyên hỗ trợ nhau, tăng cường quản lý cộng đồng và giảm thiểu chi phí thuê mướn bên ngoài.

“Mùa màng bắt đầu trở về trên mảnh đất, chúng tôi có đồ ăn và nước uống. Tất cả giống như phép lạ vậy”, Yadav Dada Change, một nông dân địa phương cho biết.

Hiware Bazar hiện là mô hình làng kiểu mẫu ở Ấn Độ với ý thức kỷ luật cao. Các con đường luôn được quét dọn sạch sẽ, nhiều ngôi nhà khang trang thay thế những túp lều lụp xụp, rượu và thuốc lá bị cấm. Người dân hạnh phúc với cuộc sống của mình và tự hào với những gì đã đạt được.

Hải Thu