Con cá gỗ xứ Nghệ và bữa tiệc sớm mừng tân Phó Giám đốc sở
Bữa tiệc mừng tân Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nghệ An bị dư luận phản ứng.
Dư luận cả nước vừa qua sục sôi chuyện tiệc mừng tân Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nghệ An. Đây là câu chuyện “có vấn đề” và mối quan tâm của dư luận là chính đáng, dù có thể, một số người coi đó là “chuyện nhỏ”. Xa hơn, trong câu chuyện này có mối liên hệ với biểu tượng “con cá gỗ” của tỉnh Nghệ An.
Tiệc mừng thăng quan, vì sao dư luận phản ứng?
Nếu thông tin từ Nhà khách Nghệ An là chính xác, thì quy mô của bữa tiệc mừng này chỉ là “con muỗi”, với tổng chi phí chưa đầy 8 triệu đồng. Trong khi, theo nhiều nguồn thông tin, thì những bữa tiệc của quan chức, riêng tiền rượu Tây đã hết hàng chục triệu đồng, không phải là hiếm.
Dư luận bức xúc vì đây là tiền từ ngân sách, vì theo dòng chữ trên tấm phông treo tại Nhà khách Nghệ An thì bữa tiệc do Sở NNPTNT Nghệ An chủ trì. Đây là khoản chi không có trong danh mục quy định, trong khi Nghệ An là tỉnh nghèo, vừa phải xin 3,6 nghìn tấn gạo cứu đói từ Trung ương.
Nhưng đó cũng chưa phải là nguyên nhân chính. Lý do sâu xa làm dư luận bức xúc là tâm lý đề cao, hãnh diện quá mức khi bản thân hay bạn bè, người thân được thăng quan tiến chức; coi việc bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo là cơ hội vinh quang cá nhân, mốc thành công trong sự nghiệp của đời người, mà không chú trọng đến trọng trách công vụ, hiệu quả công việc; kết quả công việc đối với tập thể, với dân.
Với chức danh Tỉnh ủy viên, vừa đi cơ sở về, thì ai cũng hiểu rằng, tân Phó Giám đốc sẽ là Giám đốc sở trong tương lai. Cái đáng buồn ở đây là tâm lý khao khát địa vị, danh vọng, quá tôn sùng chức vụ, coi thăng quan tiến chức là mục tiêu vinh quang của sự nghiệp.
Nguyên nhân từ con “cá gỗ”?
Có mối liên hệ khá đặc biệt giữa bữa tiệc mừng thăng quan tiến chức nói trên và việc lãnh đạo tỉnh Nghệ An thiết kế biểu tượng con “cá gỗ” để tặng quan khách, kiều bào trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.
Từ một câu chuyện lưu truyền trong dân gian (không có địa chỉ, tên tuổi cụ thể) về một học trò (hay thầy đồ) dùng con cá gỗ để xin nước mắm ăn cơm trên đường lai kinh ứng thí, sau đỗ đạt; Nghệ An đã coi đó là biểu tượng thể hiện tinh thần hiếu học, là niệm tự hào.
Tuy nhiên, mới đây, một quan chức Nghệ An thừa nhận rằng, biểu tượng con cá gỗ này thiên về tính xấu, tiêu cực nhiều hơn. Có dịp được xem biểu tượng “con cá gỗ” làm quà tặng, chúng tôi thấy biểu tượng này được chế tác thành con cá gỗ uốn cong và có câu đối khắc phía dưới: “Bảng vàng, hiếu học, danh “cá gỗ” – Vinh quy, lều chõng, hiệu “ông đồ”.
Chưa nói việc đối không chỉnh (“bảng vàng” là danh từ, đối với “vinh quy” là động từ; “hiếu học” là tính từ, đối với “lều chõng” là danh từ), nội dung câu đối toát lên mục đích việc học hành của ông đồ Nghệ là “bảng vàng, vinh quy bái tổ”.
Đó là tâm lý khoa bảng; hiếu học, khổ học để đỗ đạt làm quan, đem lại vinh quang cho cá nhân, gia đình, dòng tộc; nghĩa là “vượt vũ môn” để “hóa rồng”. Đỗ đạt nghĩa là sự nghiệp đã thành công, viên mãn, tên khắc vào bảng vàng bia đá lưu danh muôn thuở.
Lối học xưa là học chữ Hán, từ chương, Tứ thư, Ngũ kinh, Nghiêu Thuấn… những kinh điển và đạo lý hàng nghìn năm của Trung Quốc với quan niệm “thuật nhi bất tác” (chỉ thuật lại, học thuộc, bắt chước chứ không sáng tạo), không quan hệ nhiều đến quốc kế dân sinh.
Lối học hành và tâm lý khoa bảng ấy, theo nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, đã sinh ra một đội ngũ đông đảo các nhà khoa bảng qua nhiều thế hệ, nhưng hầu như không có đáng kể các công trình, sản phẩm khoa học có giá trị thực tiễn để lại cho hậu thế.
Có mối liên hệ không thể chối bỏ giữa tâm lý “cá gỗ” ấy, với hàng nghìn, hàng vạn Tiến sỹ, Thạc sỹ ngày nay.
Từ tâm lý “cá gỗ” ấy, đến bữa tiệc, niềm vui mừng quá đỗi của bạn bè, thân hữu vị tân Phó Giám đốc Sở, là mối quan hệ có thể giải thích được.
Nếu thực sự vì tập thể, vì dân, coi trọng trách với Đảng, với dân là trọng, thì người được bổ nhiệm chức vụ phó Giám đốc Sở NN&PTNT (và có thể là Giám đốc Sở trong tương lai) nên lo thay vì nên mừng.
Trong khi Nghệ An là địa bàn thiên tai, hạn hán thường xuyên xảy ra, đời sống của một bộ phận không nhỏ nông dân, còn hết sức khó khăn. Cả tỉnh còn khoảng 96 nghìn hộ nghèo, chủ yếu là nông dân, đồng bào miền núi. Tình hình sản xuất nông nghiệp không mấy sáng sủa, lợi nhuận từ cây chủ lực như lúa, ngô, mía, cao su, chè…rất thấp. Nông dân ly hương, vào làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp với đồng lương chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu.
Nếu như ông tân Phó Giám đốc sở có kết quả vượt trội trong công tác, có thành tích xuất sắc đem lại lợi ích lớn cho tập thể, cho dân, thì có mở tiệc khao gấp cả hàng chục, hàng trăm lần, dư luận cũng không ai phản đối.
Nhưng để thay đổi tâm lý, nếp nghĩ có từ hàng nghìn năm, đã ăn sâu vào não trạng của nhiều người, e không dễ.